Thương mại Điện tử Việt nam: Khó khăn, thách thức và tiềm năng phát triển

Thương mại Điện tử Việt nam: Khó khăn, thách thức và tiềm năng phát triển

Sự phát triển của lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022

Theo eCommerceDB thì Việt Nam là thị trường lớn thứ 25 về Thương mại điện tử với doanh thu 8 tỷ USD vào năm 2021, xếp sau Na Uy và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Với mức tăng 24%, thị trường Thương mại điện tử Việt Nam đã đóng góp vào mức tăng trưởng 29% trên toàn thế giới vào năm 2021.

3 thương hiệu dẫn đầu thị trường chiếm 10% doanh thu trực tuyến tại Việt Nam bao gồm thegioididong.com với doanh thu 335 triệu USD vào năm 2021, tiếp theo là fptshop.com.vn với doanh thu 254 triệu USD và Shopee.vn với doanh thu 234 triệu USD.

Theo Statista công bố thì người ta dự đoán rằng tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR 21-25) trong bốn năm tới sẽ là 7%. Sự tăng trưởng của ngành thương mại điện tử Việt Nam được thúc đẩy bởi một số yếu tố như:

  1. Đầu tư nước ngoài và gia tăng sức chi tiêu của người dân;
  2. Đặc điểm của Thương mại điện tử có thể kết nối liền mạch các doanh nghiệp và người tiêu dùng với nhau, và chính lợi ích này sẽ giúp Thương mại điện tử mở rộng sang các ngành khác.
  3. Trong những năm gần đây, đặc biệt 2 năm đại dịch, Lĩnh vực công nghệ tài chính (FinTech) ở Việt Nam đã phát triển rất mạnh mẽ. Theo dữ liệu từ Statista, tổng giá trị giao dịch FinTech đạt 14,37 tỷ USD vào năm 2021 và con số này dự kiến đạt khoảng 23 tỷ USD vào năm 2025. Sự phát triển này có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố, nhưng có lẽ quan trọng nhất là thành công của ngành Thương mại điện tử. Do đó, những tiến bộ đạt được trong lĩnh vực FinTech sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của Thị trường Thương mại điện tử.

Thêm một chỉ số nữa từ Tổng cục Thống kê Việt Nam: Doanh số bán lẻ tại Việt Nam đã tăng 12,1% so với một năm trước đó vào tháng 4 năm 2022, tăng nhanh so với mức tăng 9,4% trong tháng 03 năm 2022 và đánh dấu tháng tăng trưởng thứ năm liên tiếp. Con số mới nhất cũng đại diện cho sự tăng trưởng mạnh nhất trong thương mại bán lẻ kể từ tháng 4 năm 2021, khi tiêu thụ tăng lên sau khi tăng tốc tiêm chủng COVID-19.

Tiềm năng mà lĩnh vực thương mại điện tử mang lại cho sự phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này là gì?

Như đã chia sẻ ở trên, đặc điểm của Thương mại điện tử có thể kết nối liền mạch các doanh nghiệp và người tiêu dùng với nhau, và chính lợi ích này sẽ giúp Thương mại điện tử mở rộng sang các ngành khác. Chính vì vậy, gần như hầu hết các doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác đều được hưởng lợi từ sự phát triển của Thương mại điện tử. Ví dụ trong hệ sinh thái thương mại điện tử thường bao gồm: Các công ty cung cấp hạ tầng TMĐT, Các nền tảng TMĐT, Các công ty cung cấp dịch vụ phát triển hệ thống thương mại điện tử, Các sàn thương mại điện tử, Các công ty sản xuất, các công ty phân phối, các công ty bán lẻ, các công ty cung cấp giải pháp thương mại điện tử như thanh toán, vận chuyển, kế toán, tiếp thị, bán hàng, hỗ trợ khách hàng…

Có thể khẳng định: Các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam đang đón nhận nhiều cơ hội chuyển đổi trước sự phát triển thần tốc của công nghệ, thị trường, người tiêu dùng và sự tham gia của các nhà đầu tư lớn.

Sự hỗ trợ của Việt Nam đối với lĩnh vực thương mại điện tử nói chung và các doanh nghiệp trong lĩnh vực này nói riêng?

Nhìn chung, lĩnh vực Thương mại điện tử đang được Việt Nam chú trọng đầu tư phát triển như xây dựng hệ thống các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương như Phòng quản lý TMĐT thuộc Cục TMĐT và Kinh tế số (IDEA) của Bộ Công Thương, các Sở công thương có Phòng Quản lý Thương mại, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam...nhằm quản lý và hoàn thiện các vấn đề về thuế, bảo mật, xã thực thông tin trong giao dịch điện tử, quyền sở hữu trí tuệ...

Những khó khăn mà lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam vẫn còn phải đối mặt là gì?

Thứ nhất: Vấn đề về lòng tin người tiêu dùng

Các thực trạng xảy ra trong quá trình mua hàng cũng là một trong những rào cản lớn của Thương mại điện tử. Các vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm và chất lượng dịch vụ thương mại điện tử, điển hình là quá trình kiểm soát chất lượng sản phẩm (hàng giả, hàng kém chất lượng), hay gian lận, lừa đảo trong các dịch vụ thanh toán (đánh cắp thông tin thẻ tín dụng), vận chuyển (hàng bị tráo đổi trong quá trình đóng gói và vận chuyển),… đều có ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi khách hàng và sự phát triển lành mạnh, bền vững của hệ sinh thái thương mại điện tử.

Thứ hai: Vấn đề về ngân sách đầu tư của doanh nghiệp Thương mại điện tử

Yêu cầu bảo mật dữ liệu hay đầu tư hạ tầng công nghệ khiến hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử riêng lẻ hiện nay đang chịu sức ép lớn về ngân sách. Điều đó khiến cho hệ sinh thái thương mại điện tử bị chi phối khá lớn bởi sự phát triển của các sàn thương mại điện tử cũng như các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Thứ ba: Sự hạn chế về hạ tầng, cơ sở vật chất, năng lực tiếp cận công nghệ ở các khu vực nông thôn tạo nên nhiều cách biệt đáng kể so với các khu thành thị, gây ảnh hưởng đến độ phủ của thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Hạ tầng logistics chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử. Sự thiếu đồng bộ giữa các dịch vụ logistics và hạn chế về việc áp dụng công nghệ vẫn là rào cản lớn đối với hầu hết các doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ tại Việt Nam.

Thứ tư: Thanh toán tiền mặt (COD) rất cao, chiếm đến 60% giao dịch trong toàn bộ thị phần thanh toán điện tử. Điều này tạo ra nhiều rủi ro hơn cho doanh nghiệp do tình trạng trả lại đơn hàng và không nhận hàng khiến cho quá trình xử lý các đơn hàng này mất thêm nhiều chi phí và thời gian hơn.

Thứ năm: Chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các thành phần trong hệ sinh thái Thương mại điện tử để mang lại các giải pháp thương mại điện tử thống nhất và đồng bộ. Đa phần các giải pháp liên kết hiện nay thường diễn ra phổ biến giữa các sàn thương mại điện tử và đơn vị cung cấp vận chuyển, hoặc với các ngân hàng số/ví điện tử để cung cấp các giải pháp tiết kiệm, thông minh hơn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên sự liên kết liền mạch và thống nhất giữa mọi thành phần trong hệ sinh thái vẫn chưa được phát triển để có thể tối ưu các tương tác liền mạch của doanh nghiệp trong hệ sinh thái và giữa các doanh nghiệp trong thị trường thương mại điện tử.

Dự báo về sự phát triển của lĩnh vực thương mại điện tử trong năm 2022 và thời gian tới?

Thương mại Điện tử tại Việt Nam vào năm 2022 sẽ bứt phá hơn nữa với dự báo có khoảng 57.6 triệu người tiêu dùng Thương mại điện tử. Thương mại điện tử sẽ len lỏi vào khắp các ngành, các lĩnh vực. Trải nghiệm mua sắm trực tuyến sẽ được các thương hiệu đầu tư nhiều hơn với sự hỗ trợ của các công nghệ tiếp thị, công nghệ dữ liệu, công nghệ thanh toán. Mô hình subscription box – một mô hình kinh doanh thương mại điện tử tương đối mới tại Việt Nam được nhiều thương hiệu thử nghiệm. Các giải pháp thương mại điện tử sẽ liên kết chặt chẽ với nhau hơn thông qua các cơ chế kết nối kỹ thuật nhằm tạo ra các nhóm giải pháp liền mạch cho các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử ứng dụng và phát triển.

Tình Nguyễn
Nhà sáng lập Vietnam MarTech
Đồng sáng lập LadiPage Việt Nam